Do nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân, nhất là những khu vực xa trung tâm, nên hàng ngày có cả trăm chiếc xe thồ vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng lên để trao đổi, mua bán với bà con. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của những người bán hàng rong hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Do hầu hết bà con dân tộc thiểu số không có thói quen đến chợ để trao đổi, mua bán hàng hóa. Trong khi những người bán hàng rong có thể đi đến từng hộ gia đình và cung cấp đầy đủ các mặt hàng, từ rau, củ, quả đến thịt, cá, đồ ăn sẵn…đồng thời thu mua luôn các loại nông sản của bà con. Vì thế nên hầu hết các hộ gia đình đều chọn hình thức giao thương với những bán hàng rong và không thể phủ nhận sự tiện lợi của hình thức trao đổi, mua bán hàng hóa thông qua những chuyến xe thồ. Tuy nhiên, những người bán hàng rong không có đăng ký kinh doanh, những mặt hàng được vận chuyển bằng xe thồ từ đồng bằng lên Khánh Sơn hầu như không qua kiểm tra về chất lượng, vệ sinh thực phẩm nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, dụng cụ hành nghề của những người bán hàng rong cũng rất đơn giản, chỉ với mấy tấm bạt họ có thể bày bán hàng hóa ở bất cứ chỗ nào, kể cả lề đường hay những vị trí nhếch nhác, mất vệ sinh.
Người dân đang mua thực phẩm hàng ngày tại các xe bán hàng lưu động
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, đặc biệt là tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm từ những chuyến hàng rong, các ngành có liên quan cần tăng cường biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc trao đổi, mua bán hàng hóa với bà con, nhất là những khu vực vùng xâu, vùng xa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn