Trên địa bàn huyện Khánh Sơn hiện có 90 công tác viên (CTV) dân số (DS). Hiện nay đội ngũ CTV DS tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn do không còn được hưởng tiền thù lao hằng tháng.
Vai trò quan trọng
Chị Mấu Thị Tiết (thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) làm CTV DS đã 11 năm nay. Công việc hằng ngày của chị là đi từng ngõ, gõ từng nhà để phổ biến, tuyên truyền về chính sách DS; vận động, hướng dẫn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); hướng dẫn chị em phụ nữ cách phòng tránh các bệnh phụ khoa; vận động các hộ gia đình không để con em mình tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống… Với đặc thù địa bàn miền núi, dân cư sống rải rác, không tập trung nên việc đi gặp các đối tượng để tuyên truyền cũng không hề đơn giản. Có nhiều trường hợp chị phải đến nhà nhiều lần hoặc lên tận nương rẫy mới tiếp cận được. “Người dân ở đây họ thường đi rẫy và ở lại mấy ngày, có khi cả tuần. Nên vào thời điểm bà con tập trung sản xuất tôi phải tranh thủ những ngày trời mưa họ không đi rẫy được để đi tuyên truyền. Do công việc lao động bận rộn nên nhiều chị em thường quên hoặc áp dụng các biện pháp tránh thai không đúng cách nên tôi phải đến gặp họ để nhắc nhở. Có nhiều chị em không quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân, tôi cũng phải đến tuyên truyền, vận động họ nên đi khám sức khỏe định kỳ, nhất là những bệnh phụ khoa”, chị Tiết chia sẻ.
Công tác viên dân số tại các xã, thị trấn đang tuyên truyền, vận động
Theo bà Nguyễn Trần Thúy Vân, Giám đốc Trung DS-KHHGĐ huyện Khánh Sơn, trên địa bàn huyện hiện có 90 CTV DS, hoạt động ở 31/31 thôn, tổ dân phố của 8 xã, thị trấn. Với lợi thế am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, thông thuộc từng hộ gia đình, họ luôn sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con cũng như những đối tượng có nguy cơ vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, hoặc có nguy tảo hôn và báo cho cán bộ chuyên trách DS xã để có biện pháp tuyên truyền, vận động. Chính vì thế, đội ngũ CTV DS tại địa bàn miền núi được ví như “cánh tay nối dài” của cán bộ chuyên trách DS xã và họ đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện chính sách DS tại địa bàn miền núi.
Cần được hỗ trợ
Công việc của những CTV DS tại miền núi vất vả là thế nhưng thù lao mà họ được hưởng hằng tháng chỉ có 100 ngàn đồng. Tuy nhiên, từ tháng 9/2016 đến nay, khoản thù lao ít ỏi đó cũng không còn nữa. Trong khi phần lớn CTV DS tại Khánh Sơn là người dân tộc thiểu số, thu nhập chính dựa vào nương rẫy, không ít người trong số họ cuộc sống còn thiếu thốn. Vì thế, việc đi tuyên truyền, vận động của CTV DS vùng cao vốn đã gian nan, vất vả thì nay lại càng khó khăn hơn. “Từ đầu năm 2017, chúng tôi đã làm công tác tư tưởng, động viên đội ngũ CTV trong toàn huyện. Nhờ đó, mặc dù không có tiền thù lao hằng tháng nhưng hầu hết CTV DS tại các xã, thị trấn vẫn gắn bó, nhiệt tình với công việc”, bà Vân khẳng định.
Làm CTV DS suốt 16 năm qua, đối với bà Bo Bo Thị Kiểu (thị trấn Tô Hạp), việc đi tuyên truyền, vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch đã trở thành một phần trong cuộc sống của bà và bà cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ cái nghề “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ấy. Bà Kiểu tâm sự: “Tôi làm công việc này từ lâu rồi nên không muốn từ bỏ. Trách nhiệm của người CTV DS thì phải đi tuyên truyền, vận động chị em áp dụng các biện pháp KHHGĐ, không nên sinh đông con để tập trung nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế. Mặc dù việc đi lại ở đây cũng không mấy thuận tiện. Còn về tiền thù lao, nếu được cấp trên quan tâm hỗ trợ thì sẽ góp phần giúp chúng tôi giảm bớt chi phí xăng xe đi lại”.
Bà Nguyễn Trần Thúy Vân, Giám đốc Trung DS-KHHGĐ huyện Khánh Sơn cho biết, lý do đội ngũ CTV DS không còn được nhận thù lao hàng tháng nữa là vì năm 2016 chương trình mục tiêu quốc gia về DS đã kết thúc. Để góp phần tạo điều kiện cho đội ngũ CTV DS thực hiện nhiệm vụ, các xã, thị trấn cũng đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho họ. Tuy nhiên cần phải có văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền thì các xã, thị trấn mới có cơ sở để chi kinh phí. “Vừa rồi chúng tôi đã nhận được thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh là giao cho Sở Y tế và Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh về vấn đề hỗ trợ kinh phí cho CTV DS của 2 huyện miền núi huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Đây là tin vui cho ngành DS 2 huyện miền núi nói chung và đội ngũ CTV nói riêng. Cũng hy vọng rằng, chủ trương của UBND tỉnh sẽ sớm được triển khai thực hiện trong thời gian tới , nhằm giúp các CTV DS tại miền núi giảm bớt khó khăn và yên tâm, gắn bó với công việc. Đồng thời thu hút, khuyến khích những người có tâm huyết và trình độ tham gia công tác DS-KHHGĐ”, bà Vân nói.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn