GIAI ĐOẠN 2017-2020, KHÁNH SƠN CHUYỂN ĐỔI 1.082 HA CÂY TRỔNG

Đọc tin
Giai đoạn 2017-2020, huyện Khánh Sơn sẽ chuyển đổi 1.082 ha cây trồng các loại. Đây được xem là chủ trương có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống sản xuất của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong những năm tới.
Chuyển sang cây ăn quả và mía tím
Ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, theo Quyết định 2288, ngày 9/8/2017 của UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017-2020, toàn huyện sẽ chuyển 52 ha lúa nước kém hiệu quả sang trồng mía tím; 1.030 ha cây hằng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Theo kế hoạch năm 2017, chuyển đổi hơn 220 ha theo Quyết định 661 của UBND tỉnh Khánh Hòa và Đề án phát triển cây ăn quả của huyện. Trong đó, những hộ tham gia thực hiện Đề án của huyện sẽ trồng bưởi da xanh và chôm chôm, những hộ thực hiện Quyết định 661 sẽ trồng sầu riêng, bưởi da xanh, mía tím... Nhu cầu kinh phí để thực hiện chuyển đổi khoảng 17,6 tỷ đồng, bao gồm: ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 7 tỷ, còn lại do bà con nông dân đối ứng.
Gia đình bà Mấu Thị Thu Sương (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) là một trong những hộ được hỗ trợ giống cây trồng theo đề án phát triển cây ăn quả của huyện năm 2017. Trong những ngày vừa qua, bà đã nhận 100 cây bưởi da xanh về chăm sóc, bảo dưỡng. Hiện tại, bà đã trồng xong và đang tích cực chăm sóc để cây đạt tỷ lệ sống cao và phát triển tốt. “Gia đình tôi có 4 sào đất gần nhà, mọi năm chúng tôi chỉ trồng bắp, đậu, thu nhập không đáng kể. Vừa rồi gia đình tôi được Nhà nước cấp cây bưởi và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc. Hy vọng sau này cây bưởi sẽ phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập để gia đình tôi thoát nghèo”, bà Sương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, cán bộ phụ trách địa chính-nông nghiệp xã Ba Cụm Bắc cho biết, trong năm 2017, xã Ba Cụm Bắc chuyển đổi 48,7 ha cây trồng theo Quyết định 661 của UBND tỉnh và Đề án phát triển cây ăn quả của huyện. Trong đó có 13 ha chôm chôm; 5,3 ha sầu riêng; 2,9ha mía còn lại là bưởi da xanh. Hiện tại, xã đã cấp phát cây giống chôm chôm và bưởi da xanh cho người dân theo đề án của huyện và bà con đã xuống giống khá nhiều. Đối với những hộ thực hiện theo Quyết định 661, xã đang thu vốn đối ứng của nhân dân để mua cây về cấp cho bà con trồng kịp thời khi thời tiết thuận lợi.
Đến nay, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các xã, thị trấn đã hoàn thành việc cấp phát cây giống bưởi da xanh và chôm chôm cho các hộ gia đình tham gia thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả của huyện năm 2017. Đối tượng tham gia đề án là hộ người kinh nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số và bà con được hỗ trợ 100% về cây giống. Đối với Quyết định 661, hiện tại đã có một số xã, thị trấn chủ động đối ứng nguồn ngân sách, huy động vốn trong nhân nhân và đơn vị đỡ đầu để mua cây giống về cung cấp cho bà con. Điển hình như thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Trung. Ông Nguyễn Quốc Thái, Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp cho biết, năm nay, thị trấn có 20 hộ đăng ký trồng sầu riêng, 42 hộ trồng mía tím theo Quyết định 661. Với phương trâm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con được hỗ trợ 50% chi phí cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn lại do hộ gia đình đầu tư.
Ngoài diện tích chuyển đổi theo kế hoạch Đề án phát triển cây ăn quả và Quyết định 661, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, vốn chương trình kinh tế-xã hội miền núi, chương trình 135, năm 2017, các xã: Sơn Hiệp, Ba Cụm Nam, Sơn Bình cũng đã chủ động xây dựng mô hình chuyển sang trồng cây ăn quả, với diện tích 35,5 ha bưởi da xanh, sầu riêng, quýt đường.
Tập trung thực hiện
Theo ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, trước tác động tiêu cực của tình hình biến đổi khí hậu những năm qua, xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đời sống sản xuất và sự phát phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương thời gian tới, UBND huyện đã chỉ đạo ngành liên quan và các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn các hộ gia đình chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch chung của huyện; thường xuyên bám sát, đôn đốc, giúp đỡ bà con tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện…. “Huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn tìm nguồn cây giống đạt chất lượng để cung cấp cho người dân nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế sau này. Đồng thời tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, hướng dẫn các hộ gia đình chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của từng xã, thị trấn. ”, ông Sửu nói.
“Sau khi cấp giống cây cho bà con, Ban khuyến nông của xã phối hợp với các thôn thường xuyên đi kiểm tra, hướng dẫn người dân cách chuẩn bị đất, chăm sóc, bảo dưỡng cây trồng trước khi xuống giống. Đồng thời đôn đốc bà con trồng cây kịp thời vụ, tránh tình trạng bán cây giống hoặc để cây bị chết”, bà Ngọc cho biết.
Khánh Sơn là một trong những địa phương tiến hành chuyển đổi cây trồng trên diện tích lớn nhất trong toàn tỉnh. Mục tiêu của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập bền vững cho người nông dân. Để đạt mục tiêu đề ra, thì bên cạnh những giải pháp về kỹ thuật, cây giống, huyện cũng chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá những mặt hàng nông sản của Khánh Sơn, liên hệ với các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho bà con về lâu dài.
Cán bộ nông nghiệp xã Ba Cụm Bắc hướng dẫn người dân trồng bưởi. Ảnh: Quốc Nguyên
 
Người dân xã Sơn Hiệp chăm sóc mô hình bưởi da xanh xen chuối. Ảnh: Quốc Nguyên
 
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn
 
 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Tin tức - Sự kiện
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Thông tin hoạt động
Cải cách hành chính
Hồ sơ một cửa
QUY HOẠCH
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
CÁC KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Tuyển dụng
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
PC-covid
Nghị quyết