Do nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển kinh tế lâm nghiệp, mấy năm gần đây bà con nông dân trong huyện, kể cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động, tích cực tham gia chương trình trồng rừng. Nhằm giúp người nông dân tìm đầu ra ổn định và yên tâm phát triển kinh tế vườn rừng, hiện nay, các ngành liên quan và các xã, thị trấn đã triển khai việc ký kết hợp đồng với một số doanh nghiệp liên kết trồng rừng và tiêu thụ sản phẩm đối với cây keo trên địa bàn huyện.
Được xem là một trong những cây trồng chủ lực tại địa phương, nhưng những năm trước đây việc tiêu thụ keo của người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, đầu ra không ổn định, bà con thường bị ép giá, nhiều hộ gia đình do hoàn cảnh khó khăn nên phải bán keo non với giá thấp, chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế. Cuối năm 2015, huyện đã mời Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Thắng (Thành phố Cam Ranh) ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân, bước đầu hợp đồng thực hiện thí điểm tại 2 xã Sơn Bình và Sơn Hiệp. Để đảm bảo bà con thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, tránh tình trạng bán keo non cho thương lái, phía doanh nghiệp Đại Thắng đã thực hiện chính sách tạm ứng vốn cho những hộ có nhu cầu chi phí giải quyết những công việc cần thiết, trong thời gian chờ đến khi keo đủ tuổi khai thác. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã có kinh phí đầu tư phòng chống hạn cho cây trồng và giải quyết những khó khăn trước mắt. Ông Bo Bo Thanh Tùng (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) vui mừng chia sẻ: “Mấy năm trước bà con ở đây bán keo cho thương lái thiệt thòi lắm. Bán 1 ha được 10 triệu, có khi kẹt tiền mình tạm ứng thì họ cho có 4 triệu, 5 triệu. Hiện tại chúng tôi rất mừng vì có công ty lên ký hợp đồng thu mua, giá cả đảm bảo theo thị trường, bà con không lo bị ép giá và sau này chắc chắc sẽ có lợi hơn. Vì thế, nhiều hộ ở đây muốn ký hợp đồng làm ăn lâu dài với doanh nghiệp”.
Theo hợp đồng ký kết giữa người dân và Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Thắng, đến khi keo đủ tuổi, bà con sẽ bán 100% keo khai thác cho doanh nghiệp. Về phía công ty sẽ đảm bảo thu mua keo theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Theo cán bộ nông nghiệp xã Sơn Bình, hiện nay toàn xã có khoảng 500 ha keo, trong đó 30-40% do người dân tự đầu tư. Cuối năm 2015, trên địa bàn xã có 26 hộ trồng keo đã ký kết hợp đồng sẽ bán 100% sản lượng gỗ keo khi đến tuổi khai thác cho công ty, với diện tích hơn 67 ha. Bà con đã được công ty ứng tổng vốn 435 triệu đồng. Theo kế hoạch năm 2016, UBND xã Sơn Bình sẽ làm việc và đề nghị Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Thắng tiếp tục ký kết hợp đồng ứng vốn và bao tiêu sản phẩm cho 100ha keo trồng mới và 50ha keo đã trồng từ những năm trước.
Đối với Sơn Hiệp, lãnh đạo xã cho biết, tổng diện tích keo trên địa bàn từ năm 2011 đến nay khoảng 280 ha, trong đó diện tích trồng năm 2014-2015 chiếm khoảng 70%. Cuối năm 2015, xã cũng đã làm việc với công ty Đại Thắng và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm keo được 6 hộ dân, với số tiền tạm ứng trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên do vướng mắc một số thủ tục giải ngân nguồn vốn nên hiện nay người dân chưa nhận được kinh phí. Hiện tại, chính quyền xã đang phối hợp với các bên liên quan tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để sớm giải ngân nguồn vốn cho bà con. Ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Xã đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con không bán keo non cho tư thương; nếu khó khăn và có nhu cầu vay vốn thì bà con liên hệ với xã để triển khai ký hợp đồng, tạm ứng tiền trước đối với công ty Đại Thắng. Sau đó công ty sẽ lên trực tiếp đi thẩm định, rồi tiến hành làm hồ sơ để giải ngân cho bà con. Dự kiến trong quý 1 năm nay, toàn xã phấn đấu có 10-20 hộ ký hợp đồng và được giải ngân vốn”.
Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả ở khu vực sườn đồi, độ dốc cao sang trồng keo. Đến cuối năm 2015, diện tích keo rừng trồng toàn huyện tăng lên khoảng 2.500 ha. Theo lãnh đạo phòng NN&PTNT, thời gian tới huyện sẽ làm việc và đề nghị công ty Đại Thắng xây dựng 1 nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn, vừa giúp nâng cao hiệu quả của cây keo, vừa giải quyết thêm việc làm cho người dân địa phương. Ngoài công ty này, địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp khác tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người trồng keo tại các xã, thị trấn. Nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá, gây thiệt thòi cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát và cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin về diện tích keo rừng trồng 147 thực tế trên địa bàn huyện cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về việc ký kết hợp đồng liên kết trồng rừng và bao tiêu sản phẩm keo lai giâm hom với các doanh nghiệp để người dân hiểu và tham gia, đồng thời vận động bà con không bán keo non, hoặc cho thuê, sang nhượng đất rừng trồng trái phép.
Hy vọng việc ký kết trồng rừng vào tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp sẽ là hướng đi triển vọng, lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, mang lại thu nhập ổn định, giúp bà con nông dân cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ảnh: Bà con nông dân chăm sóc keo. Ảnh: Hoàng Qúy
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn