Hiện nay, huyện Khánh Sơn đã và đang triển khai các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương về du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.
Tiềm năng phát triển
Khi nói về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại Khánh Sơn, điều đầu tiên phải kể đến đó là khí hậu mát mẻ, trong lành với nhiều cảnh đẹp tự nhiên. Điểm nhấn nổi bật là thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) được ví như “nàng thơ” nghìn năm tuổi bung mình trắng xóa giữa núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, mang dòng nước mát lành cho con người và cây trái vùng hạ du. Bên cạnh thác Tà Gụ, thác Dốc Quy (xã Sơn Lâm), khu vực Suối Đá (xã Ba Cụm Bắc)…cũng là những địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái đang chờ được “đánh thức”. Từ đồng bằng lên những địa điểm nói trên, du khách đi theo đường đèo tỉnh lộ 9 uốn lượn, ẩn-hiện dưới lớp sương sớm bồng bềnh và những tán cây rừng rợp bóng. Khách du lịch có thể dừng chân tại Đỉnh Đèo, phóng tầm mắt giữa không gian thiên nhiên rộng lớn và bắt đầu chuyến du lịch khám phá Khánh Sơn. Trên đường đến xã Thành Sơn-điểm cuối cùng của huyện- khách thăm quan có thể dừng chân tại cầu A Pa Bưởi, cầu Sơn Bình ngắm dòng sông Tô Hạp uốn mình chảy ngược về phía thượng nguồn; nghỉ ngơi, thư giãn dưới đồi thông và hít thở không khí trong lành, mát mẻ. Hoặc ghé thăm những vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu quả và thưởng thức những nông sản nổi tiếng của địa phương như: sầu riêng, mía tím, măng cụt, chôm chôm…Sau khi thưởng ngoạn vẻ đẹp nên thơ của núi rừng, du khách có thể dừng chân và tìm hiểu về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông đi trước, cũng như những truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc núi rừng của đồng bào Raglai. Đó là Lễ ăn mừng lúa mới, Lễ bỏ mả; là nền văn học, nghệ thuật độc đáo với những bộ sử thi đồ sộ, những làn điệu dân ca răn dạy con cháu những điều tốt đẹp trong cuộc sống; những âm thanh trầm bổng, thánh thót của đàn cha pi, mã la, đàn đá, kèn bầu du lòng người hướng về nguồn cội….
Những “bước đi” đầu tiên
Theo lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn, để khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, kết hợp du lịch văn hóa, ẩm thực, thăm quan miệt vườn, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Khánh Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, huyện đã đầu tư trùng tu, sửa chữa Nhà Dài (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) làm nơi tái hiện lại những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai phục vụ khách thăm quan; nâng cấp, sửa chữa đường giao thông lên thác Tà Gụ. Khảo sát, xác định những khu vực có các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, với không gian làng quê, kiến trúc nhà cửa, nét sinh hoạt truyền thống, gắn liền với công tác bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp. Tổ chức các lớp truyền dạy đánh mã la, hát dân ca, sử thi; phục dựng Lễ ăn mừng lúa mới, Lễ bỏ mả của người Raglai. Khôi phục lại nghề đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống, tạo sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng. Đồng thời, hoàn thành việc cân chỉnh âm thanh, sắp xếp, bố trí 2 bộ đàn đá đúng chuẩn âm quốc tế, đặt tại phòng truyền thống (Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện) và Nhà Dài (thôn Hòn Dung) để biểu diễn phục vụ người xem-đây được coi như “đặc sản”, là một trong những điểm nhấn đặc biệt trong những sản phẩm du lịch của Khánh Sơn…
Theo Đề án nêu trên, Sơn Hiệp là địa bàn trọng tâm đón du khách thăm quan du lịch sinh thái, văn hóa, ẩm thực, miệt vườn. Năm 2017, xã đã đón khoảng 1.900 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. “Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, bên cạnh việc khôi phục văn hóa truyền thống, thời gian qua, xã đã tiến hành tuyên truyền, quảng bá hình ảnh những điểm đến như: Nhà Dài truyền thống, thác Tà Gụ, rừng thông Sơn Hiệp-Sơn Bình. Đồng thời phối hợp với Trường Trung cấp nghề huyện Cam Lâm mở một lớp trung cấp nghề du lịch với 28 học viên, để tạo nguồn lực cho phát triển du lịch lâu dài sau này”, ông Trấn Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã cho biết.
Đến nay, huyện cũng đã triển khai thực hiện Chương trình hành động số 14 của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 08, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện sẽ đón khoảng 10.000 lượt du khách, doanh thu ước đạt 5 tỷ đồng; đến năm 2030, xây dựng 1-3 điểm du lịch sinh thái, đón khoảng 15.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 8,5 tỷ đồng… “Để hiện thức hóa mục tiêu đề ra, trước mắt năm 2018, huyện đang hoàn thiện thủ tục để tiến hành xây dựng một số công trình phục vụ phát triển du lịch về lâu dài như: Xây dựng trạm dừng chân tại Đỉnh Đèo, mở rộng cua cây Da (xã Ba Cụm Bắc; xây dựng quảng trường - công viên trước đài tưởng niệm ở đầu ngõ huyện, làm công viên thủy cầm - đàn đá đánh bằng nước - biểu tượng văn hóa Raglai. Xây dựng thác Tà Gụ, làm đường đi, các điểm vui chơi tại đây để thu hút khách. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch tại Khánh Sơn nhằm tạo việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển”, ông Đinh Ngọc Bình, Chủ tịch UBND huyện nói.
Du khách nấu cơm lam bên thác Tà Gụ - xã Sơn Hiệp (Ảnh tư liệu)
Biểu diễn đàn đá Khánh Sơn
Đinh Luận